Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Sưu tầm: Những tai nạn làm chết con, mẹ nên biết

Mẹ hãy bỏ túi danh sách những tai nạn dễ gặp và các mẹo giúp bảo vệ con yêu nhé.

Trẻ em thời nào cũng vậy, luôn có những trò nghịch ngợm và dễ dẫn đến tai nạn ngay cả khi bạn chỉ giữ con trong nhà. Một khi bé yêu của bạn đã biết lẫy, biết bò rồi biết đi, bé sẽ nảy sinh cảm giác tự do, muốn khám phá. Bé hay chạm vào các đồ vật, nhét chúng vào trong miệng hay thậm chí còn leo trèo trong nhà. Chỉ một tích tắc thôi là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, mẹ hãy bỏ túi danh sách những tai nạn dễ gặp để bảo vệ con yêu nhé
Ngã
Ngã là tai nạn phổ biến nhất, chiếm tới 44% các trường hợp chấn thương trong gia đình. Đối với trẻ sơ sinh, nguy cơ lớn nhất khi các con biết lật lẫy đó chính là lăn ra khỏi mép giường, cũi hoặc ghế sofa. Trẻ mới biết đi thì thậm chí càng nguy hiểm hơn. Ở độ tuổi ham khám phá, con rất hay trèo leo lên các đồ vật trong nhà, thậm chí bị ngã từ ban công, cầu thang hoặc cửa sổ. Để phòng tránh, mẹ cần:
- Khi đặt con nằm trên giường hoặc cũi luôn phải có thanh chặn ở hai bên. Nếu có thể, hãy dùng giường thấp kiểu Nhật thay vì giường có chân cao.
- Không để bàn hay ghế gần cửa sổ và ban công
- Luôn đóng cửa sổ và cửa ra vào. Nếu để mở, mẹ hãy lắp thêm dây cố định sao cho cửa không mở quá 10cm.
- Đảm bảo các thanh chắn cầu thang đủ hẹp để con không thể lách qua.
- Nếu nhà có ban công hở, hãy lắp thêm lưới kín hoặc lồng sắt để đảm bảo an toàn.
Những tai nạn làm chết con, mẹ nên biết 1
Mẹ cần cẩn thận khi con tự leo cầu thang (ảnh minh họa)
Hóc, ngạt và nghẹt thở
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay thường nuốt, hít và cho các đồ vật nhỏ như viên bi, cúc áo, hạt đậu hay các đồ chơi nhỏ vào mũi, miệng gây hóc và ngạt thở. Mẹ cần chú ý:
- Giữ các đồ vật nhỏ như thuốc, cúc áo, bi…ra xa tầm tay trẻ em
- Chọn đồ chơi cho con có kích thường phù hợp với độ tuổi
- Cẩn thận với các dây phơi quần áo, dây vòng cổ hay dây túi. Trẻ rất có thể sẽ với nghịch, quấn lấy và bị nghẹt thở.
- Chăn, màn cũng nên để xa tầm tay của trẻ em.
- Giữ động vật, đặc biệt là mèo ra xa phòng ngủ của con. Nếu chúng nhảy vào cũi hay giường của con và nằm sai vị trí, con sẽ có thể bị ngạt.
- Khi cho con ăn, nên nghiền nhuyễn, bào hoặc cắt miếng nhỏ, vừa miệng để tránh hóc
Những tai nạn làm chết con, mẹ nên biết 2
Những chú mèo tưởng chừng đáng yêu cũng có thể khiến con bạn ngạt thở (ảnh minh họa)
Bỏng
Làn da mỏng manh nhạy cảm của trẻ em rất dễ bị bỏng. Bỏng cũng là một trong những tai nạn gây ra tỷ lệ từ vong lớn nhất ở trẻ nhỏ . Ngay cả việc uống nước nóng cũng có thể gây tổn thương cho con. Mẹ cần cẩn thận:
- Tắt các thiết bị làm nóng ngay sau khi sử dụng xong. Các vật dụng này bao gồm: Bếp, máy đun nước, bàn là, máy sẩy, máy sưởi, lò nướng…. Giữ chúng và dây nối ở ngoài tầm với của trẻ em là tốt nhất.
- Một số gia đình thường dùng phích nước để trong phòng nhằm pha sữa cho con. Các mẹ nên chuyển phích nước ra ngoài, cũng không nên đặt lên cao. Trẻ có thể với được và bị phích nước rơi vào người.
- Luôn đặt cốc nước nóng, cháo hay thức ăn nóng ngoài tầm với của trẻ. Không nên sử dụng khăn trải bàn vì con có thể kéo khăn gây đổ.
- Trước khi tắm cho con cần kiềm tra nhiệt độ nước cẩn thận. Không cho trẻ tự tắm và chỉnh nhiệt độ khi bình nóng lạnh đang còn bật.
- Nếu có thể, không nên cho trẻ chạy vào bếp.
- Nước đun sôi trong vòng 15 phút sau khi tắt bếp vẫn có khả năng làm bỏng da bé. Mẹ cần đặt xa tầm tay trẻ.
Ngộ độc
Trẻ em tuổi khám phá hay thường cho nhiều thứ vào miệng gây ngộ độc. Đứng đầu trong “danh sách” các sản phẩm gây ngộ độc cho trẻ nhỏ là nước hoa, mỹ phẩm, nước rửa bát và các loại thuốc. Biệu hiện ngộ độc ở trẻ bao gồm đau bụng, khó thở, nôn mửa, da tái xạm. Để phòng tránh ngộ độc ở trẻ nhỏ, mẹ cần:
- Giữ các sản phẩm có hóa chất ra khỏi tầm tay trẻ, có thể để trong tủ và khóa lại như nước lau kính, nước rửa bát, nước tẩy, bột giặt…
- Để các loại hóa chất đụng trong lọ ban đầu. Ví dụ: Mẹ không nên để thuốc diệt kiến vào trong vỏ chai coca cũ. Trẻ sẽ tưởng nhầm là thức uống được.
- Tránh mua các loại cây lá độc hại để trong nhà. Hoa quả và rau cần được rửa sạch trước khi cất tủ.
Chấn thương mắt
Ngón tay, đũa ăn, dĩa hay thậm chí cả cành cây nhỏ trong nhà cũng có thể là nguyên nhân gây chấn thương ở trẻ nhỏ khi các con vô tình chọc vào mắt. Mẹ cần cất những vật dụng kia ra xa tầm tay trẻ, luôn cắt móng tay cho con và cho cả bản thân thật sạch sẽ. Nếu trẻ bị chọc vào mắt, mẹ cần ngay lập tức đưa con đến bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài những tai nạn phổ biến kể trên, trẻ nhỏ thường còn hay gặp phải những rắc rối với các ổ điện và dây cắm trong nhà, kẹp tay vào cửa hay cho tay vào cánh quạt khi đang quay. Cần chú ý bảo đảm để con yêu tránh xa những vật dụng tiềm tàng nguy hiểm như vậy. Tuy nhiên mẹ cũng nên nhớ, đừng quá bao bọc trẻ trong môi trường vô trùng, nếu chưa bị đau, trẻ sẽ không học được cách tự bảo vệ mình. Hãy chỉ nên để con biết nóng, biết đau và biết “chừa” trong giới hạn cho phép.
Theo khampha.vn
Nguồn: http://giadinh.net.vn/nuoi-day-con/nhung-tai-nan-lam-chet-con-me-nen-biet-2013062508365974.htm

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Thực phẩm chức năng của tôi

Thực phẩm chức năng thì tiện lợi nhưng đắt tiền, lại chưa hẳn đã tốt hơn khi ta biết khai thác chức năng của thực phẩm.

Thế nên, viết vài dòng ra đây, thỉnh thoảng bổ sung thêm vào để khỏi quên kiến thức thu thập được.

1. Đỗ đen
 Ảnh sưu tầm
Để giải nhiệt, thanh lọc thận, chữa ngứa thì đỗ đen vừa hiệu nghiệm lại tiện lợi. Cả nhà mình, trừ ông xã, đều bị nóng trong với triệu chứng mẩn ngứa, đặc biệt là vùng bàn tay bàn chân - ngứa điên đảo đến mức xối thắng hơi máy lạnh 20-21 độ vào người mới đã mà uống nước đỗ đen ninh không đường tầm 1 tuần là thấy lui triệu chứng. Người nóng trong thì nước tiểu thường vàng, háo khát táo bón. Uống nước đỗ đen cùng tăng cường uống nước thấy nước tiểu trong trở lại, việc kia cũng trơn tru dễ dàng. Trước khi biết đến món này, mình tốn tiền triệu hàng tháng cho thuốc bắc chữa nóng ngứa chưa kể công xá, tiền điện/gas sắc thuốc. Giờ thì tiết kiệm được đáng kể lại nhanh chóng tiện lợi hơn nhiều so thuốc bắc, không còn lo hóa chất ngâm tẩm thuốc bắc theo vào người. Còn thể loại giải khát đóng chai thì mình không cho vào đầu từ xưa nay, chẳng tội gì bỏ tiền mình cho "nó" quảng cáo để rước hóa chất vào người.
Đỗ đen lại có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như chè, cháo...nhưng để nhanh gọn mình thường ninh không đường rồi uống nước ăn cái. Ăn chán thì chỉ uống thôi, ực cái là xong. Bé nhà mình cũng được luyện, giờ uống nước đỗ đen nhanh lắm.
Đỗ đen mát nhưng mát quá thì thành lạnh bụng, lúc đó chỉnh lượng và tần suất uống là xong.

2. Hạt sen
 Ảnh sưu tầm
Hạt sen có nhiều tác dụng, hiện tại mình đang dùng với mục đích thanh nhiệt an thần dễ ngủ sau khi đã giảm nhiệt và ngán đỗ đen. Ninh sẵn hạt sen rồi bỏ vào tủ lạnh để chế vào cháo, làm chè.

3.Lá dâu
Ảnh sưu tầm
Lá dâu xanh non về nấu bát canh ngọt lành với thịt thăn để chữa mồ hôi trộm cho con. Tác dụng nhanh hơn yến (xét về mặt chữa mồ hôi trộm) mà giá cả thì khỏi cần so sánh cho khập khễnh.
Lá dâu ngoài nấu canh thì có thể đun uống thay nước lọc, làm chả lá dâu, chế thành món xào...Lưu ý là lá dâu cũng mát, dễ gây lạnh bụng.
Đến khi sử dụng lá dâu thì mình mới vỡ lẽ ra rằng: chưa hẳn đắt đã là tốt, rằng cây thuốc quanh ta và nên tôn trọng kiến thức của các cụ. Thực phẩm chức năng tô vẽ nhiều chức năng, nhưng để ý kỹ thì tác dụng liệt kê kiểu ấy - nghe thì hấp dẫn nhưng phải uống nhiều trong thời gian dài để cái lọ xọ cái chai thì thành thế thật. Mình cũng không phủ nhận là một vài thực phẩm chức năng được tinh chế nên tăng cường hiệu quả lại tiện lợi trong sử dụng như TPCN chiết xuất từ đậu nành lên men; vì đậu nành lên men không phải ai cũng làm được.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Sưu tầm: Để mẹ lớn lên cùng con

Nếu bạn muốn giúp con học giỏi, hãy để con bạn được sống trong một không gian ngập tràn tình yêu và hạnh phúc, đồng thời khuyến khích bé tự tin để đạt được mục tiêu…

Chìa khoá để giúp con học tốt là thiết lập một hệ thống hỗ trợ vững chắc ngay tại gia đình, giúp bé có được mục tiêu rõ ràng và vạch ra con đường để bé đạt được mục tiêu đó.
Nền giáo dục từ gia đình trước khi bé chính thức đặt chân vào trường học rất quan trọng. Bạn cần giúp bé nhưng không gây áp lực cho bé. Những giải pháp bạn đưa ra cần cân bằng, lành mạnh. Và bạn nên hài lòng, hạnh phúc với những thành tích bé đạt được. Hãy luôn thể hiện để bé biết rằng bạn thấu hiểu những cố gắng của bé trong "công cuộc" học tập.
Bạn mong muốn bé học giỏi vì bạn yêu thương bé. Do đó, những cách giúp bé học giỏi cũng đều dựa trên nền tảng yêu thương đó.

1. Khuyến khích các kỹ năng đặc biệt
Mọi trẻ em đều có một tài năng thiên bẩm nào đó. Những thuộc tính này đặc biệt có thể được phát hiện ngay từ khi bé còn nhỏ, trong cách bé vui đùa, cách bé chọn đồ chơi, cách bé thích thú các môn học năng khiếu ngay trong trường mẫu giáo, như âm nhạc hay hội hoạ. Sở thích của bé thường thể hiện khả năng của bé. Hãy quan sát một cách tinh tế để nhận ra và khuyến khích các kỹ năng đặc biệt của bé, truyền cảm hứng cho bé theo đuổi đam mê của mình.

2. Hoan nghênh và khen ngợi các nỗ lực
Khi bé đạt thành tích tốt, bạn nên ghi nhận và khen ngợi con bạn vì những cố gắng của bé thay vì gán cho bé cái nhãn "thông minh" hay "tài năng". Những người có tư tưởng an phận thường miễn cưỡng đón nhận các thách thức, vì họ cho rằng thành tích họ có là do khả năng bẩm sinh. Những người có tư tưởng cầu tiến thường sẵn sàng đối mặt với các thách thức cũng như cơ hội mới, vì họ tin rằng thành công đến từ việc luôn học hỏi những kỹ năng mới. Vì thế, những nỗ lực của con bạn đáng được đánh giá cao hơn khả năng thông minh bẩm sinh của bé.

3. Cho bé môi trường học tập như bé muốn
Có thể bạn cần làm việc trong không gian im lặng tuyệt đối, nhưng không có nghĩa là con bạn cũng cần một môi trường không một tiếng động khi làm bài về nhà. Trẻ em có nhiều cách học tập như âm nhạc, logic toán học, đặc điểm ngôn ngữ hay giao tiếp cá nhân… Tốt nhất, bạn nên chú ý đến con mình để xác định phong cách học tập tốt nhất cho bé. Ví dụ, bạn có thể sử dụng các bảng, thẻ in sẵn để dạy con học thuộc bảng cửu chương, hay cho con nghe nhạc, xem phim để dạy bé ngoại ngữ…

4. Đọc, đọc và đọc
Bạn có thể chọn một cuốn sách và dành thời gian đọc chuyện cho bé nghe dù bé ở bất cứ độ tuổi nào. Bé cần được thấy việc đọc sách là một thói quen thú vị và cần thiết. Bạn nên đọc sách cho bé và lập một tủ sách trong gia đình. Điều này sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ, kỹ năng đọc, và thành công trong học tập. Ngay cả khi bé còn rất nhỏ, không thể hiểu tất cả mọi điều bạn đọc, bé vẫn cảm nhận được nhịp điệu của ngôn ngữ và điều này giúp bé xây dựng một vốn từ vựng tốt.

5. Quây quần bên mâm cơm tối
Dù bận rộn đến mấy, hãy cố gắng sắp xếp để cả gia đình có thể quây quần bên mâm cơm, ít nhất là bữa tối. Những câu chuyện quanh mâm cơm, việc chia sẻ những sự kiện gia đình gặp trong ngày có thể giúp bé có thêm cảm xúc và động lực để gặt hái thành tích trong học tập. Một nghiên cứu do Đại học Columbia thực hiện cho thấy trẻ em ăn ít nhất 5 bữa một tuần với gia đình có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn trong trường và ít bị rối loạn ăn uống.

6. Đi ngủ đúng giờ
Điều này luôn vô cùng hiệu quả. Bé cần ngủ sớm, trễ nhất là 9g tối, và điều này nên được thiết lập để trở thành một lịch sinh hoạt quen thuộc của bé. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv cũng phát hiện ra rằng, chỉ ngủ thiếu một giờ vào đêm trước thì ngày hôm sau, khả năng nhận thức của bé có thể tụt giảm đến 2 tuổi so với tuổi của bé, tức là một bé 6 tuổi chỉ còn nhận thức như một bé 4 tuổi khi tiếp cận bài giảng mới. Bạn cũng nên cho bé ngưng sử dụng máy tính và ti vi ít nhất 30 phút trước khi bé ngủ.

7. Ôm con
Sự ôm ấp, vuốt ve có thể giúp con trẻ giảm bớt căng thẳng và cảm thấy an toàn hơn. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, không được thương yêu có thể bị căng thẳng mãn tính, và điều này dễ làm nhiễu loạn phiền các phần não liên quan đến tập trung và bộ nhớ học tập. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y tế công cộng của Hoa Kỳ cho biết rằng, việc chạm vào một người khác nhẹ nhàng có sức mạnh làm giảm bớt các triệu chứng cảm xúc và hành vi. Việc ôm ấp giúp bé của bạn cải thiện khả năng tập trung và mang lại cảm giác hạnh phúc cho cả bạn và bé.
(sưu tầm)

http://www.webtretho.com/forum/f55/mai-da-thanh-ngoc-cap-tieu-hoc-a-ren-luyen-cho-con-cac-ky-nang-trang-bi-cho-con-cac-hanh-trang-de-buoc-vung-chac-vao-trung-hoc-1145432/#post29849356