Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Giảm bớt " gánh nặng" nấu bữa cơm chiều

Đối với những bà mẹ " làm mẹ part-time" như mình thì thời gian tan sở buổi chiều là thời gian vất vả nhất trong ngày: ra khỏi cơ quan tầm 5h rưỡi, về đón con thì đã hơn 6 giờ nếu không tắc đường, về nhà thì một đống việc chờ đến tay như là dọn dẹp, tắm rửa, nấu bữa cơm chiều....Kể đầu mục thì nghe đơn giản nhưng để làm được ngần ấy việc vào lúc cuối này đã " kiệt sức" vì công việc thì quả là nhiều lúc cảm thấy " không chịu nổi".
Rồi mình phát hiện ra một điều mới đối với mình nhưng có thể không là mới đối với nhiều người, đó là: thay đổi thói quen cũng có thể giảm bớt gánh nặng cho khoảng thời gian này.
Và mình đang áp dụng triệt để cho khoảng thời gian bầu bì khá mệt mỏi bây giờ.
Sau đây là những trải nghiệm hoặc suy nghĩ của bản thân mình.

1. Biết cái gì là quan trọng đối với mình
 Mỗi người sẽ có tiêu chí riêng cho bản thân rằng cái gì là quan trọng nhất. Đối với mình, con cái vợ chồng sạch sẽ, bữa cơm nóng hổi đủ chất, gia đình vui vẻ quây quần là quan trọng nhất. Vì thế, nhà chỉ dọn dẹp, quét sơ qua chứ không được lau chùi như lau như li cũng chấp nhận được, bếp chưa gọn gàng ngăn nắp cũng ok, không có món mới lạ cũng được.

2. Biết món ăn ưa thích của gia đình
Danh sách những món ăn ưa thích sẽ là cơ sở để xây dựng thực đơn Ngon - Nhanh - Bổ và Rẻ nữa, đặc biệt là những món có thể chế biến sẵn hoặc để được dài ngày.

3. Làm tốt khâu chuẩn bị
Từ việc lên thực đơn sẵn cho vài ngày cho đến sơ chế hoặc nấu sẵn vào lúc có thời gian rỗi. Việc lên sẵn thực đơn và đi chợ gộp vài lần làm một vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa dễ dàng cân nhắc món ăn đơn giản - cầu kỳ sao cho đảm bảo khẩu vị lẫn thời gian trong trường hợp vẫn muốn ăn món cầu kỳ. Thay vì, lượn xe từ đầu đến cuối chợ vừa nghĩ xem ăn món gì mà nhắm tới gian hàng có món mình muốn mua cũng đỡ tốn khối thời gian.
Một nồi nước ninh xương bỏ tủ lạnh, đến bữa bỏ ra một ít cũng làm bát canh rau ngót/ muống thêm đậm đà, hoặc thêm vài quả sấu lấy từ ngăn đá cùng cà chua, hành mùi cũng thành bát canh chua ngon lành mà có ngay trong nháy mắt. Hoặc lấy chút nước dùng, chế thêm rau củ băm nhỏ cùng nấm hương băm nhuyễn rồi khuấy đều cùng trứng là được bát súp ngon lại đủ chất vừa tận dụng đồ thừa.

4. Tận dụng giờ chết
Mình thường sắp sẵn rồi bắt tay vào nấu là nấu một mạch. Nấu món gì trước, tiếp đến món gì ...để tận dụng thời gian và nồi niêu đều định hình trong đầu. Hễ có chút thời gian rảnh tay thì tranh thủ chuẩn bị đồ nấu kế tiếp hoặc vệ sinh dọn dẹp dù chỉ đủ thời gian cho một cái quẹt bề mặt bếp gas.

5. Ưu tiên món luộc, thái nhỏ cắt mỏng
 Nhà mình thích ăn đồ luộc - nhất là món rau, điều đó giúp mình giảm bớt thời gian nấu nướng khá nhiều vì món luộc thường đơn giản. Thái nhỏ cắt mỏng hơn bình thường giúp rau chín nhanh hơn và tận dụng được nhiệt sau khi nhấc ra khỏi bếp. Ngon hay không ngon thì phụ thuộc vào việc căn thời gian nấu.

6. Vệ sinh dọn dẹp nhà bếp, đồ bếp
" Nấu không ngại bằng dọn" - chính vì vậy khi nấu xong thì mình cũng cố gắng thu dọn bếp và đồ bếp gọn gàng nhất có thể, xoong chảo nhà mình có ít nên mình thỉnh thoảng tranh thủ tận dụng nấu nhiều hơn một món trên một chiếc ( có rửa để tránh dây mùi vị sang nhau), đồ nào có thể rửa thì rửa luôn.
Bát đĩa thì cơ số đủ cho hai bữa nên giả sử có mệt thì cũng để đến bữa sau mới rửa, nhưng mình cố gắng hạn chế việc này. Về nhà mệt, nghĩ đến một đống việc phải làm mà nhìn chồng bát đĩa đang chờ rửa thì oải lắm.

7. Yêu cầu trợ giúp từ " người thân"
Hai vợ chồng ở riêng, không có giúp việc nên toàn " làm tất ăn cả". Phân định rõ ràng là chồng phụ trách tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa còn vợ nấu ăn....phân định là để có ranh giới cho biết chứ nhiều khi vợ/ chồng bận việc về muộn thì chủ động mà làm cả.
Cũng may, nhờ thực đơn sẵn và thực phẩm chế biến nên xã vẫn vui vẻ nấu giúp, không cằn nhằn gì!