Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Sưu tầm: Để mẹ lớn lên cùng con

Nếu bạn muốn giúp con học giỏi, hãy để con bạn được sống trong một không gian ngập tràn tình yêu và hạnh phúc, đồng thời khuyến khích bé tự tin để đạt được mục tiêu…

Chìa khoá để giúp con học tốt là thiết lập một hệ thống hỗ trợ vững chắc ngay tại gia đình, giúp bé có được mục tiêu rõ ràng và vạch ra con đường để bé đạt được mục tiêu đó.
Nền giáo dục từ gia đình trước khi bé chính thức đặt chân vào trường học rất quan trọng. Bạn cần giúp bé nhưng không gây áp lực cho bé. Những giải pháp bạn đưa ra cần cân bằng, lành mạnh. Và bạn nên hài lòng, hạnh phúc với những thành tích bé đạt được. Hãy luôn thể hiện để bé biết rằng bạn thấu hiểu những cố gắng của bé trong "công cuộc" học tập.
Bạn mong muốn bé học giỏi vì bạn yêu thương bé. Do đó, những cách giúp bé học giỏi cũng đều dựa trên nền tảng yêu thương đó.

1. Khuyến khích các kỹ năng đặc biệt
Mọi trẻ em đều có một tài năng thiên bẩm nào đó. Những thuộc tính này đặc biệt có thể được phát hiện ngay từ khi bé còn nhỏ, trong cách bé vui đùa, cách bé chọn đồ chơi, cách bé thích thú các môn học năng khiếu ngay trong trường mẫu giáo, như âm nhạc hay hội hoạ. Sở thích của bé thường thể hiện khả năng của bé. Hãy quan sát một cách tinh tế để nhận ra và khuyến khích các kỹ năng đặc biệt của bé, truyền cảm hứng cho bé theo đuổi đam mê của mình.

2. Hoan nghênh và khen ngợi các nỗ lực
Khi bé đạt thành tích tốt, bạn nên ghi nhận và khen ngợi con bạn vì những cố gắng của bé thay vì gán cho bé cái nhãn "thông minh" hay "tài năng". Những người có tư tưởng an phận thường miễn cưỡng đón nhận các thách thức, vì họ cho rằng thành tích họ có là do khả năng bẩm sinh. Những người có tư tưởng cầu tiến thường sẵn sàng đối mặt với các thách thức cũng như cơ hội mới, vì họ tin rằng thành công đến từ việc luôn học hỏi những kỹ năng mới. Vì thế, những nỗ lực của con bạn đáng được đánh giá cao hơn khả năng thông minh bẩm sinh của bé.

3. Cho bé môi trường học tập như bé muốn
Có thể bạn cần làm việc trong không gian im lặng tuyệt đối, nhưng không có nghĩa là con bạn cũng cần một môi trường không một tiếng động khi làm bài về nhà. Trẻ em có nhiều cách học tập như âm nhạc, logic toán học, đặc điểm ngôn ngữ hay giao tiếp cá nhân… Tốt nhất, bạn nên chú ý đến con mình để xác định phong cách học tập tốt nhất cho bé. Ví dụ, bạn có thể sử dụng các bảng, thẻ in sẵn để dạy con học thuộc bảng cửu chương, hay cho con nghe nhạc, xem phim để dạy bé ngoại ngữ…

4. Đọc, đọc và đọc
Bạn có thể chọn một cuốn sách và dành thời gian đọc chuyện cho bé nghe dù bé ở bất cứ độ tuổi nào. Bé cần được thấy việc đọc sách là một thói quen thú vị và cần thiết. Bạn nên đọc sách cho bé và lập một tủ sách trong gia đình. Điều này sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ, kỹ năng đọc, và thành công trong học tập. Ngay cả khi bé còn rất nhỏ, không thể hiểu tất cả mọi điều bạn đọc, bé vẫn cảm nhận được nhịp điệu của ngôn ngữ và điều này giúp bé xây dựng một vốn từ vựng tốt.

5. Quây quần bên mâm cơm tối
Dù bận rộn đến mấy, hãy cố gắng sắp xếp để cả gia đình có thể quây quần bên mâm cơm, ít nhất là bữa tối. Những câu chuyện quanh mâm cơm, việc chia sẻ những sự kiện gia đình gặp trong ngày có thể giúp bé có thêm cảm xúc và động lực để gặt hái thành tích trong học tập. Một nghiên cứu do Đại học Columbia thực hiện cho thấy trẻ em ăn ít nhất 5 bữa một tuần với gia đình có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn trong trường và ít bị rối loạn ăn uống.

6. Đi ngủ đúng giờ
Điều này luôn vô cùng hiệu quả. Bé cần ngủ sớm, trễ nhất là 9g tối, và điều này nên được thiết lập để trở thành một lịch sinh hoạt quen thuộc của bé. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv cũng phát hiện ra rằng, chỉ ngủ thiếu một giờ vào đêm trước thì ngày hôm sau, khả năng nhận thức của bé có thể tụt giảm đến 2 tuổi so với tuổi của bé, tức là một bé 6 tuổi chỉ còn nhận thức như một bé 4 tuổi khi tiếp cận bài giảng mới. Bạn cũng nên cho bé ngưng sử dụng máy tính và ti vi ít nhất 30 phút trước khi bé ngủ.

7. Ôm con
Sự ôm ấp, vuốt ve có thể giúp con trẻ giảm bớt căng thẳng và cảm thấy an toàn hơn. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, không được thương yêu có thể bị căng thẳng mãn tính, và điều này dễ làm nhiễu loạn phiền các phần não liên quan đến tập trung và bộ nhớ học tập. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y tế công cộng của Hoa Kỳ cho biết rằng, việc chạm vào một người khác nhẹ nhàng có sức mạnh làm giảm bớt các triệu chứng cảm xúc và hành vi. Việc ôm ấp giúp bé của bạn cải thiện khả năng tập trung và mang lại cảm giác hạnh phúc cho cả bạn và bé.
(sưu tầm)

http://www.webtretho.com/forum/f55/mai-da-thanh-ngoc-cap-tieu-hoc-a-ren-luyen-cho-con-cac-ky-nang-trang-bi-cho-con-cac-hanh-trang-de-buoc-vung-chac-vao-trung-hoc-1145432/#post29849356

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét