Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Để Tết vui – ngon – bổ - rẻ?

Vợ chồng cặm cụi làm lụng quanh năm, ngẩng lên cái Tết đã trước mắt rồi.  Một quãng đường dài còn phải đi, một ước mơ còn mờ mờ ảo ảo phía xa tít thôi thúc mình tiếp tục theo đuổi tiêu chí: Vui Tết ngon – bổ - rẻ.
Qua hai cái Tết thực hiện, tự cảm thấy đã tương đối chắc tay và đâm ra lại nghiện món Ngon – Bổ - Rẻ như nghiện chơi đế chế, đầu năm rảnh rỗi tranh thủ ngồi ghi lại vài dòng trải nghiệm làm cơ sở cho năm sau soi lại và chỉnh lý tiếp.
1.  Chuẩn bị tốt là thành công một nửa:
* Chuẩn bị về mặt tài chính: trong file excel Quản lý tài chính gia đình nhỏ, mình chèn thêm một sheet và đặt tên là Tết, trong đó liệt kê cụ thể và rõ ràng số tiền thu – chi.
Thu: lương, thưởng, quỹ dự phòng hay nguồn khác..dù là nguồn nào đi chăng nữa thì nên là nguồn thu chắc chắn để tránh kiểu “đếm cua trong lỗ” mà chẳng may lỗ lại không có cua thì thành bị động.
Chi: liệt kê từ khoản lớn đến khoản nhỏ như biếu xén, trang trí cửa nhà, tiền ăn uống, mừng tuổi…
Liệt kê thu để biết mình ở mức nào, liệt kê chi để đừng để “vung tay quá trán”. Mình sợ nhất là phải vay nợ nên chủ trương chi tiêu trong khả năng của mình. Tết Nhâm Thìn này, mình đặt mức chi giống như năm trước, trong bối cảnh lạm phát leo thang thì như vậy là cố gắng lắm rồi. Và vì thành công năm nay mà dự kiến sang năm tiếp tục duy trì mức này để thử sức đấu trí tiếp.
* Xác định mức độ ưu tiên: tạo dựng và củng cố quan hệ ngoại giao hay thắt chặt tình cảm thân tộc, hay là dịp ăn uống nghỉ  ngơi xả stress? Hay tất cả các việc trên một cách hài hòa? Dù sao cũng cần xác định mục tiêu và mức độ ưu tiên cụ thể cho từng hạng mục từng việc, từng nơi, từng người…để tiện cân đối thu chi.  Dù rất muốn tiêu pha thẳng tay cho chỗ nào cũng vẹn toàn đẹp mặt nhưng điều kiện mình đâu thể đủ để làm như mong muốn nên đành co kéo cho vừa vặn vậy.
* Lập danh sách đồ cần sắm sửa kèm giá tiền dự tính: khoảng một tháng trước Tết thì nên lập danh sách đồ cần sắm sửa, lịch trình các việc cần làm để căn cứ vào đó để làm dần, sắm sửa dần. Song song là lập thực đơn đại khái và kế hoạch thăm hỏi vui chơi để cân đối cho phù hợp về cả mặt thời gian và tài chính.
2. Chuẩn bị trước Tết:
* Nhà cửa và trang trí nhà cửa: vì không có thời gian nên túc tắc mỗi tuần làm một ít. Những đồ trang trí qua Tết thì thu hồi và làm sạch để sử dụng qua nhiều lần. Ví như đồ trang trí quất đào, thảy cây ra sân cho có sương có mưa để tươi tốt mà lười biếng quên không thu đèn lồng, câu chúc là coi như đi tong. Lại mất tiền mua đồ mới – thế là lãng phí. Lười biếng không chịu lau chùi dọn dẹp nhà cửa từ sớm, để nước đến chân lại nhảy không kịp nên phải thuê người cho những việc mình tự làm cũng được thì cũng là lãng phí. Rẻ hay không cũng một phần là nhờ có chặn đứng mấy cái lãng phí đó.
* Trang phục diện Tết: rất quan trọng nhưng không nhất thiết là phải mua đồ mới nếu đồ cũ vẫn tốt, vẫn đẹp. Ăn thua ở chỗ biết kết hợp, “bố trí” bộ nào mặc hôm nào cho hợp cảnh hợp tình. Gần Tết cũng là dịp khuyến mại nở rộ, nếu có nhu cầu sắm sửa thì nên tranh thủ và sắm sớm để tránh cập dập mà tặc lưỡi liều dẫn đến vừa tốn tiền vừa mua phải hang không ưng ý. Chú ý, nói phục trang là chuyện mặc không phải chỉ cho mình, mà còn là lo cho chồng con để cả nhà đều tươm tất và đẹp đẽ ngày Tết.
* Tiền lì xì và giỏ quà Tết:  thường là chiếm tỷ lệ lớn trong chi tiêu cho ngày Tết.
Tiền lì xì hay biếu tặng: lập danh sách những người cần biếu, lì xì mừng tuổi từ số tiền lớn dần xuống và một cơ số tiền lì xì hạng “phổ thông” để chuẩn bị từ sớm bằng việc gom dần tiền mới, đẹp hoặc đổi tiền từ sớm qua kênh người quen để tránh mất tiền oan cho các dịch vụ đổi tiền.
Giỏ quà Tết: tìm mua ở các cửa hàng hay siêu thị thì rất dễ nhưng thường hoặc đắt hơn hoặc chất lượng ( hạn sử dụng, chủng loại và số lượng) không ưng ý. Chịu khó để ý một chút, tự mình làm giỏ quà thì sẽ tiết kiệm được nhiều lắm.
3. Đi chợ sắm Tết:
* Đi chợ cùng danh sách: dẫu là người có trí nhớ tốt hay tồi thì cầm theo danh sách các đồ cần mua là việc nên làm để tiết kiệm thời gian và tiền bạc ( ngẫu hứng mua đồ không dung đến hoặc mua quá số lượng cần).
* Khảo giá kỹ: chợ, siêu thị, đại lý…ngày Tết mỗi nơi một giá. Khảo giá kỹ giúp mình mua được món đồ với giá thấp nhất có thể. Tưởng là nhỏ nhưng vài nghìn gom thành trăm, trăm gom thành triệu dễ như bỡn.
* Vừa đủ: Mình thấy lạ là người người bày biện ngũ quả chỉ “cầu zừa đủ xài” mà lại dễ rơi vào khuynh hướng mua thừa thãi để rồi phải ăn đồ thừa hoặc vứt đi đến thế. Thực đơn và danh sách mua sắm để phần nào giúp mình giải quyết được điều này.
* “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”: dù không có nhiều thời gian thì tranh thủ mỗi ngày mua sắm một chút với nguyên tắc đồ để lâu mua trước, đồ tươi sống mua sau cùng cũng giúp mình chuẩn bị Tết khá êm thấm.
* Tự làm những món/ vật trong khả năng: thay vì dán mắt vào ti vi như kẻ nghiện, hãy dứt ra để tự làm vài món đồ đơn giản vừa tiết kiệm tiền vừa tận dụng nhân lực cũng như tạo chất kết dính các thành viên như: phong bao lì xì, thiệp chúc mừng, bánh chưng, giò xào, dưa món, thịt bò khô….
4. Trong dịp Tết:
* Tiêu chí hàng đầu: đảm bảo nhịp sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng, đặc biệt đối với gia đình có con nhỏ.
* Theo phong tục, không theo hủ tục: gạn đục khơi trong, dung cảm thay đổi những gì không còn phù hợp với hoàn cảnh mới.
* Đi chơi: đến nhà họ hàng người quen thường được mời cơm nhưng nếu đến chơi những tụ điểm như công viên, trung tâm mua sắm hoặc vui chơi thì cũng nên mang theo nước uống và đồ ăn nhẹ để tránh bị “cắt cổ” ngày Tết một cách lãng xẹt.
5. Vấn đề tiền mừng tuổi:
* Chuẩn bị: xem  mục 2, chuẩn bị trước không bao giờ là thừa cả.
* Phong bao lì xì – kẻ cứu cánh: ai muốn hiểu như thế nào thì hiểu, nhưng đúng là không chỉ làm đẹp và lịch sự mà còn giúp ích trong nhiều trường hợp.
* Sử dụng tiền mừng tuổi: nhà mình dùng để nuôi lợn cho con – đã thành thông lệ từ khi con mới chào đời.
6. Luôn để quỹ dự phòng:
Dù đã có quỹ dự phòng và là khoản chi tiêu Tết thì vẫn nên để lại ít nhất 10% dự trù cho những khoản mà tại thời điểm lên kế hoạch thu chi chưa nghĩ ra được. Nếu dôi ra được khoản này, mình sẽ để vào lợn đất cho con như mọi lần. Với khoản dự phòng này, mình có thêm tự tin để hoàn thành cho tốt vai trò nội trợ của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét