Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Biểu quản lý tài chính và chi tiêu gia đình nhỏ (cập nhật 21.4)

                                                   Ảnh: sưu tầm                                          

File excel này được mình sử dụng và cải tiến liên tục suốt nhiều năm qua.
Đây là bảng phiên bản mới nhất ( chia sẻ miễn phí cùng các tài liệu khác trong folder Quản lý tài chính gia đình)
http://www.4shared.com/office/X5sjeXZ8/bang_quan_ly_tai_chinh_va_chi_.html
Hướng dẫn sử dụng
http://www.4shared.com/office/1aabhOrZ/huong_dan_su_dung_bang_quan_ly.html
Những bài viết hay về tài chính cá nhân
http://www.4shared.com/office/2FqvKs7G/Bai_viet_hay_ve_tai_chinh_ca_n.html

Nếu link trên không hoạt động thì sử dụng link sau

Link MF
Bảng quản lý file excel ( có thêm tính năng mới là theo dõi quản lý tài khoản tiết kiệm)
http://www.mediafire.com/?6oy5082kd71z6i8
Hướng dẫn file doc
http://www.mediafire.com/?yb21h3vcmcf9bss

Qua thời gian dài dù đã nâng cao tinh thần tiết kiệm và chăm chỉ ghi chép mà chẳng tiết kiệm được bao nhiêu lại không ổn định, tham khảo các file/ phần mềm quản lý tài chính cá nhân , kinh nghiệm mọi người thì mình thấy: chủ yếu là do không phát hiện và khống chế được lãng phí.

Nếu coi lãng phí giống như nước thì việc cân đối thu chi để không bị bội chi bằng cách lập kế hoạch là "chống nước chảy tràn ", còn giám sát thường xuyên để không bội chi dù đã có kế hoạch là "chống rò rỉ ".

Chính vì quan điểm như vậy mà mình đã chỉnh sửa như bảng ngày hôm nay.

Trong bảng này,12 tháng chi tiêu được tích hợp vào một file nên việc quản lý gọn gàng hơn nhiều, tuy nhiên người sử dụng nên lưu bản back up một cách đều đặn để phòng ngừa trường hợp mất dữ liệu.

Qua 5 năm sử dụng, mình rút ra một số kinh nghiệm sau.

1. Vì sao bạn nên sử dụng bản excel?
Với một số ưu điểm sau, excel tỏ ra có hiệu quả hơn so với việc sử dụng phần mềm đối với những bà nội trợ quản lý tài chính gia đình kiểu...bỉm sữa như mình.
* Dung lượng thấp và không cần cài đặt nên rất gọn nhẹ, kín đáo
* Bảo mật tốt chỉ bằng việc thiết lập password
* Tùy ý chỉnh sửa, cải tiến theo ý mình: thêm bớt nội dung, tính năng, tô màu, chèn ảnh...
* Chỉ cần kiến thức excel cơ bản là có thể sử dụng và cải tiến được
* Tránh được những con mắt tò mò của những người chủ đích muốn tận dụng dữ liệu tài chính nhà bạn.

2. Vì sao bạn cần lên định mức?
Định mức chính là kế hoạch thu nhập, chi tiêu. Đưa ra được kế hoạch thu chi là thành công một nửa. Khi mới bắt đầu thực hiện quản lý chi tiêu thì kế hoạch nên là dạng dễ thở, từ từ thít lại theo mục tiêu đề ra - nhanh hay chậm tùy theo mức độ tiến bộ.

3. Vì sao bạn nhập số liệu đều đặn và quản lý thường xuyên?
Tuy mất thời gian và công sức nhưng đây là việc dứt khoát phải làm nếu bạn muốn quản lý tối ưu đồng tiền vất vả mới tạo ra. Nếu thực hiện tốt, bạn có thể biết được xu hướng chi tiêu của gia đình mình: hoang phí hay hợp lý để từ đó điều chỉnh cho phù hợp để đạt mục tiêu đề ra, quản lý thường xuyên biết được tình hình cân đối giữa định mức và thực tế giúp bạn tránh chi quá tay mà thiếu trước hụt sau. Nhưng bản thân việc nhập số liệu đều đặn và quản lý thường xuyên không giúp bạn đảm bảo thực hiện được kế hoạch thu chi đề ra nếu không có ý chí quyết tâm của chính bạn.
Nếu bạn nhỡ tay tiêu để số tiền còn lại không đủ chi tiêu tiếp thì bạn có mấy lựa chọn sau.
* Dừng tiêu ---> chờ quota tiếp ---> có thời gian cân nhắc xem món đồ định mua có thực đáng mua không
* Lấy khoản khác đập bù sang ---> khoản khác có thể bị thiếu hụt, nếu khoản khác quan trọng hơn thì bạn buộc phải quay lại dòng trên nếu bạn không muốn rơi vào hoàn cảnh như sau
* Lấy quỹ khẩn cấp ra dùng ---> tức là bỏ một phần tiết kiệm được ra dùng
* Vỡ kế hoạch tiết kiệm ----> chỉ là trường hợp bần cùng bất đắc dĩ thì đành chịu còn lại thì cố gắng đừng đến mức này 

Lưu ý là mấu chốt quản lý được là ở chỗ bạn phải luôn giám sát được số tồn, để dựa vào đó đưa ra quyết định chi tiêu chính xác. Nếu không quản lý kiểu này được thì tốt nhất đừng dùng bảng này làm gì, lợi ít mà hại nhiều. Hại ở đây là với lối quản lý chỉ có dòng tiền vào - ra mà không phân theo đầu mục thì chỉ tổ chuốc lấy stress mà thôi.

4. Vì sao cần có quỹ tiết kiệm tiêu dùng ( kiêm quỹ khẩn cấp)?
Quỹ tiết kiệm tiêu dùng chính là Lọ hưởng thụ, được thiết kế với mục đích yêu cầu người sử dụng biết yêu quý bản thân hoặc cho phép bản thân được tự nuông chiều mình ( trong khả năng có thể). 
Quỹ này dùng để chi trả cho các hạng mục lớn như mua sắm đồ gia dụng đắt tiền, du lịch ...hoặc các khoản bất ngờ không thể định trước khi lên kế hoạch hàng tháng. Nhờ nó, mà bạn tránh khỏi cảm giác vỡ kế hoạch, tự tin vào bản thân mình.
Quỹ khẩn cấp thì đương nhiên phải có rồi và luôn phải để ở nhà đồng thời những người liên quan phải biết chỗ để. Có ai ra ngoài trời mưa mà lại không có áo mưa chứ?
2 quỹ này gộp với nhau làm một nhằm giảm bớt số tiền nằm chết dí trong nhà. 

5. Vì sao bạn cần quản lý qua từng tháng trong năm?
Thu nhập của bạn có thể đều đặn qua từng tháng hoặc không, nhưng việc nhìn tầm dài hạn như 1 năm, vài năm sẽ cho bạn thêm ý chí quyết tâm thực hiện, là thuốc tăng lực giúp bạn vượt qua khó khăn, cám dỗ để thực hiện mục tiêu đã đề ra, đồng thời điều chỉnh kịp thời khi thời cuộc thay đổi.

6. Gia đình thu nhập không đều đặn có thể sử dụng bảng này được không?
Bảng này vốn dĩ được thiết kế dành cho gia đình người làm công ăn lương thu nhập đều đặn nhưng cải biến chút là có thể sử dụng cho tất cả mọi người.
Nếu thu nhập không ổn định thì có thể tham khảo cách làm sau: lập và vận dụng quỹ gối đầu.

Thường thì chi tiêu là cố định ( muốn nắm bắt được thì nên thực hiện quản lý chi tiêu vài ba tháng). Ví dụ, bạn biết gia đình mình mỗi tháng hết khoảng 12 triệu. Nếu thu nhập trong 1 tháng của gia đình bạn có thể cắt luôn 12 triệu làm thành quỹ gối đầu thì tốt, nếu không thì dành vài tháng để lập quỹ.  Quỹ kiểu này giống như ứng trước lương nên cần kỷ luật thép hơn vì dễ lệch chuẩn. Thu nhập lớn hơn 12 triệu thì phần dư dứt khoát phải bỏ ra đủ lượng an toàn để có thể bù cho những lúc không đạt 12 triệu như dự định.

7. Có nguyên lý nào cho việc quản lý tài chính gia đình không?

Cứ tưởng mình làm việc này một cách vô nguyên tắc, hóa ra vô tình đi đúng hướng. 
Nguyên lý là định ra một con số % làm mục tiêu tiết kiệm, ngắt ngọn đúng phần này bỏ vào tiết kiệm rồi chi tiêu trong số còn lại. Khi đã tiết kiệm đã đi vào ổn định thì tiếp tục nâng dần mức % để tăng tỷ lệ tích lũy, song song có thể tìm biện pháp tăng thu nhập để đẩy nhanh tiến độ.
Công cụ: Bảng quản lý chi tiêu và tài chính gia đình nhỏ.
Biện pháp:
- Lập và thực hiện theo kế hoạch chi tiêu hàng tháng bằng Bảng QLCT&TC gia đình nhỏ, hay nói cách khác là hiện thực hóa mục tiêu tài chính bằng bảng quản lý nói trên với nguyên tắc: chi trả cho bản thân mình trước.
- Tối ưu hóa từng đồng tiền chi ra: mua hàng chất lượng theo tiêu chí Ngon - Bổ - Rẻ, chỉ mua thứ mình cần và dùng triệt để những gì mình có.
- Đầu tư vào các giá trị của bản thân và gia đình như: liên tục học hỏi gia tăng trình độ học vấn kiến thức, kỹ năng cuộc sống và công việc, tận hưởng thời gian vui vầy gia đình...
- Học hỏi và cập nhật kiến thức quản lý tài chính và kiến thức liên quan, các chiêu tiết kiệm từ mọi người xung quanh xoay quanh các nhu cầu cơ bản của con người là Ăn - Mặc - Ở - Chơi.

Riêng về Bảng quản lý chi tiêu và tài chính gia đình nhỏ, các bước đi cụ thể như sau

1. Nắm bắt hiện trạng chi tiêu:
Ghi chép về tình hình chi tiêu một cách khách quan, đầy đủ, chi tiết.

2. Lập kế hoạch chi tiêu và thực hiện cho bằng được để ( lần lượt theo trình tự ưu tiên):
- Khống chế không để số tiền chi tiêu tăng lên
- Trả hết nợ nần hoặc một phần tùy theo "chiến thuật". Chú ý: nợ không hoàn toàn là xấu.
- Lập quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp.
- Mở rộng quỹ kể trên để nó kiêm thêm chức năng Quỹ tiêu dùng
- Trích đều đặn thường xuyên tiền bỏ vào quỹ tiết kiệm tích lũy
- Nâng dần số % tích lũy
- Tiến hành đầu tư số tiền tiết kiệm được vào lĩnh vực mình am hiểu và luôn tìm hiểu học tập nâng cao kiến thức liên quan đến lĩnh vực mình đầu tư. Tiếp tục học hỏi để mở rộng khả năng đầu tư.


3. Vũ khí tinh thần để giữ cho bản thân luôn vững vàng:
- Không ca thán.
- Xác định mục tiêu và giá trị mình theo đuổi.
- Cải tiến liên tục không ngừng nghỉ
- Muốn giỏi thì phải học, muốn học thì phải sẵn lòng trả học phí

6. Một chu trình công việc ( trích phần trả lời chị Hạ long biển nhớ)
Chị ơi, đồ nghề quản lý tài chính gia đình của em nhé.
Một cái một thiếc vốn là một hộp bánh to hơn khổ A4, trong đó để một cuốn sổ khổ A4 để nghĩ gì thì ghi ra ( em có cái tật suy nghĩ cái gì to tát là phải viết ra giấy không là ong ong đầu - vì thế không làm nghề kế toán được
), một file lá khổ A4, một cái máy tính điện tử , một cái bút bi, mấy cái kẹp giấy, 4 phong bì bằng giấy dày và vài mảnh giấy trắng cắt nhỏ để làm kẹp gáy.

Tháng tài chính - gọi thế cho oai đi - bắt đầu từ ngày 10 nên chậm nhất là tối mồng 9 ( em thường làm trước và để dư cho phần còn lại) thì em ngồi tổng kết tháng cũ xem còn bao nhiêu, và còn phần thừa thì chuyển sang lọ 3 và nếu lọ 3 đã đầy thì chuyển sang lọ 4.

Mở máy tính, nhập số liệu này vào bảng. Mở sheet quản lý chi tiêu tháng mới, lên định mức thu nhập và chi tiêu, in ra và bỏ vào lá file mới. Mồng 10 nhận lương về thì nhìn vào bảng cân đối đó để xếp ra.
Ví dụ: tháng này em dự tính sẽ phải mua 1 bình gas giá 450k thì bảng chi tiêu của em có mục gas 450k. Em lấy 450k ra, kẹp mảnh giấy trắng và ghi trên đó "Gas 450k" rồi kẹp vào cùng các mục khác của lọ 1 thành một mớ rồi bỏ vào phong bì ghi lọ 1 ở bên ngoài. Khi phải thanh toán tiền gas thì em lấy tiền đó ra, nếu giá gas rẻ hơn dự tính 50k chẳng hạn thì phần dư đó em vẫn kẹp lại để phần khác thiếu thì lấy ra bù đắp. Cuối tháng tổng kết mà 50k vẫn còn thì thực hiện như đã nói ở trên.
Cứ làm vậy cho hết các mục.
Nếu mục nào phát sinh cần thiết vượt mức dự toán thì lấy số dư khoản khác đập sang theo nguyên tắc ưu tiên cùng lọ trước, nếu vẫn thiếu thì rút từ lọ 3 - quỹ tiêu dùng kiêm khẩn cấp - để bù đắp phần thiếu.
Vì nguyên tắc là chi trả cho mình trước nên khi lập kế hoạch thì ưu tiên xác lập lọ 4 xong, rồi mới đến các lọ khác. Khi phát sinh bội chi phải lấy lọ khác sang đập bù thì lọ 4 là lọ cuối cùng động đến. Ngày trước, em nhập số liệu vào hàng ngày nhưng giờ không đủ time nên em quản lý theo cách này. Khi lên định mức đầu tháng, định mua gì giá bao nhiêu thì em dự tính trước nên con số định mức cũng sát. Em mua hàng thường đòi hóa đơn, nếu là cửa hàng tạp hóa thì nhờ họ viết lại tờ giấy ( dĩ nhiên 1 vài món nhỏ dễ nhớ thì thôi) vừa kiểm soát xem họ tính tổng có đúng không vừa là cơ sở tham khảo giá vừa là số liệu để mình nhập vào bảng nếu thích. Hóa đơn tháng nào bỏ vào cùng lá file tháng ấy. Giấy tờ liên quan đến cả năm, quý thì để riêng.
Cách này em làm được thời gian dài, cũng thấy hiệu quả.
Nhà em thì để hộp thiếc ở chỗ kín đáo nhưng vợ chồng đều biết để khi có việc cần dùng quỹ khẩn cấp mà không có mình ở nhà thì chồng tự lấy.
Tiền xăng xe, ăn sáng và chi tiêu riêng của xã thì em hoạch định và thông báo cho xã. Ưng thì cứ thế thực thi, em thiết kế cho xã một hộp thiếc nhỏ xinh để trong ngăn kéo chồng, bỏ số tiền đó vào để ông ấy tự lấy và quản lý. Thỉnh thoảng em cũng ngó vào xem xét tình hình và trợ giúp khi cần. Chưa thấy xã phàn nàn gì.

7. Giải thích câu hỏi về lọ 3 và 4
Câu hỏi 1:
Mẹ nó cho mình hỏi chút, đã gọi là quỹ tiêu dùng khẩn cấp thì tại sao lại còn có dự kiến chi tiêu nhỉ?
Trả lời:
Lọ 1 và lọ 2 thì các mẹ đều rõ. Lọ 3 dùng để cho các khoản chi tiêu dùng lớn như mua máy giặt, đi du lịch...chẳng hạn. Nhưng không phải khi có nhu cầu là trích tiền từ thu nhập bỏ ra đi mua luôn được mà mình định trước rồi mỗi tháng trích ra một lượng tiền tương ứng tích dần để đến khi có đủ thì đi mua/ tiêu dùng. Mục đích của việc này là để mình có thời gian ngẫm nghĩ suy tính xem thực sự mình có cần đồ vật muốn mua/ dịch vụ muốn dùng ko. Quỹ khẩn cấp được dùng trong các trường hợp như người nhà phải vào viện cần khoản tiền lớn, hoặc để bù đắp các phần thiếu như bài trước đã đề cập. Lọ này không phải lúc nào cũng dùng nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng để khi có nhu cầu là xài được luôn.
Lọ 3 rất rất quan trọng, không kém lọ 1 và lọ 2, và luôn luôn biến động.
Khi dùng cạn thì ưu tiên là phải phục hồi càng sớm càng tốt lọ này, có thể cắt % của lọ 4 để thực hiện điều này. Việc định mức % cho lọ 3 hay kể cả lọ 4 để mình biết đường mà điều chỉnh lượng tiền tiêu ra (%) lọ 1 và 2, và cũng là tính toán được bao giờ có thể khôi phục được lọ 3, đồng thời là tạo sức ép để quyết tâm thực hiện.
Quỹ tiêu dùng và quỹ khẩn cấp được kết hợp vào chung 1 lọ để giảm thiểu số tiền bị "chết" do nằm im trong nhà.
Lọ 3 làm tốt thì lọ 4 mới phát huy hiệu quả chức năng của nó là tiết kiệm lâu dài, tức là mới để tiền đầu tư vào vào vàng, ngoại tệ hay gửi ngân hàng có điều kiện ổn định để chuyên tâm sinh lãi cho bạn. 
Bản thân lọ 3, khi đã tích đủ cho phần quỹ khẩn cấp thì phần tích cho quỹ tiêu dùng nên tận dụng chức năng gửi góp ( tùy theo thời điểm dự kiến sử dụng) hoặc chức năng gửi tiết kiệm online để lấy thêm tí lãi nuôi lợn.

Về ý này thì xem thêm phần sau:

Câu hỏi
 Có  vấn đề nhờ MTT và các mẹ chỉ giúp: Lọ 3 quỹ khẩn cấp và lọ 4 quỹ lâu dài bây giờ của em mới bắt đầu làm, mới chỉ có ít tiền thôi thì em cứ để trong phong bì chờ trích thêm 1 vài tháng nữa rồi mới gửi TK hay sao hả các mẹ chứ gửi ít quá cũng mất công ấy chứ nhỉ. Với cả lọ 3 em thấy mọi người tranh thủ gửi TK để sinh lãi hết, thế ko cần để trong nhà 1 phần của lọ 3 phòng trừ trường hợp ốm đau hay việc gì khẩn cấp à? Em thì thấy nếu quỹ khẩn cấp mà ko để ở nhà thì cũng hơi lo lo lúc cần lại phải đi rút mà nhỡ thứ 7, CN ngân hàng nghỉ thì làm thế nào?
Các mẹ giải đáp giúp em nhé

Trả lời
Về câu hỏi của em: lọ 3 = quỹ khẩn cấp + quỹ tiêu dùng
                           lọ 4 là quỹ đầu tư lâu dài.
Lọ 4 dễ rồi, ta bàn lọ 3.
Về lọ 3, có nhiều cách sử dụng:
Nếu tách biệt thì quỹ khẩn cấp được ưu tiên tạo dựng trước, xong rồi mới đến quỹ tiêu dùng ( có thể tận dụng quá trình gửi góp hoặc tiết kiệm online trong quá trình tạo dựng để đến lúc tạo dựng xong = lúc sử dụng = thu lãi). Nếu không gửi ngân hàng thì cũng còn nhiều kênh như chơi họ ( hụi), cho người nhà vay tạm, buôn bán lặt vặt....cái này tùy mỗi người
Nhưng có nhà không làm theo cách trên, họ để lọ 3 ở nhà ( = không sinh lãi) nhưng xài được luôn thì thường để số tiền ít hơn trường hợp kể trên và dành phần dư ra bỏ vào lọ 4. Thường thì đây là những gia đình không/ chưa có nhu cầu tiêu dùng lớn.
Tóm lại là rất linh hoạt.

Câu hỏi 2:
Mẹ T cho mình hỏi với nhé.
+ Mẹ T xử lý tiền lãi ngân hàng hàng tháng và các khoản tiền "tự nhiên có" (số này thì ít thôi chừng 100k-500k và thỉnh thoảng mới có) như thế nào ah, có phải là nhập vào dòng thu nhập khác không? Còn trường hợp nếu mình không muốn đụng tới số tiền đó mà xem nó như là khoản tiền để dành riêng thì có phải là bỏ heo k mẹ T.
+ Còn tiền trong lọ 3 và lọ 4 khi nào thì được xem là đầy. Cách xử lý số tiền này khi bắt đầu 1 tháng mới ntn nữa?

Trả lời:
Câu hỏi trên:
nhà em thì em dùng nuôi lợn nhưng mỗi nhà sẽ lại có phương án khác nhau. Trước đây thì em nhập vào thu nhập khác ở mục thu nhập ( giống như Chinsusu đang làm), và lượng tiền thừa cuối tháng thay vì bỏ vào lọ 3,4 như bài hướng dẫn phía trước thì em cũng nhập vào Tồn tháng trước cùng mục Thu nhập luôn. Nhưng nay cả hai khoản này và các khoản "đếm cua trong lỗ và tự dưng có cua" thì em bỏ vào nuôi lợn. Nuôi lợn đất không thuộc phạm vi của Bảng QLTC gia đình ở nhà em.
Cá nhân em không cổ vũ các mẹ mới bắt đầu thực hiện quản lý tài chính gia đình thực hiện theo cách em làm hiện tại. Mà theo em, nên bước từng bước một, chậm nhưng chắc sẽ vỡ vạc nhiều điều, thêm tự tin và kỹ năng quản lý tiền sẽ nhanh thuần thục hơn. Dĩ nhiên, với ai có thiên bẩm hoặc đã chắc tay rồi thì nên chuyển lên mức cao hơn để tăng tỷ lệ tích lũy.
Như ở nhà em, tiết kiệm ròng thì em dùng để đầu tư chuẩn bị cho việc lớn. Cuộc sống thường ngày và việc nhỡ đến nhỏ thì lấy từ phần còn lại. Phần thu nhập "từ trên trời rơi xuống" em bỏ hết vào lợn để đỡ phải suy nghĩ, đỡ lằng nhằng mở đóng file nhập số liệu.

Câu hỏi dưới:
Lọ 3, 4 khi nào đầy thì do chính chị quyết định. Thông thường là một tháng chi tiêu của gia đình mình hoặc ( nói dại mồm) số tiền tương đối đủ đóng tạm ứng bệnh viện. 2 lọ này được quản lý riêng bằng bảng nhập - xuất: bỏ tiền vào lọ là nhập, lấy ra chi tiêu là xuất, không cứ đầu tháng mà hễ có biến động thì cập nhật sớm kẻo quên.

Câu hỏi 3:
Câu hỏi
Chào các mẹ. Vào topic mình thấy khâm phục các mẹ quá. Nhà mình 2 người lớn mà tháng nào cũng phải chi tiêu đến 15tr mặc dù mình cũng đã mạo muội copy cái file quản lý chi tiêu của mẹ gì đó trên này về, ghi chép đầy đủ mà ko cắt giảm được khoản nào. Làm cách nào mà các mẹ chi tiêu giỏi thê?

Trả lời:
Chào chị! ( em đoán chị sinh năm 75)
Em nghĩ là mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, và việc tiết kiệm không thể chỉ nhìn vào con số hay phần %. Có khi cùng là con số/% nhưng ở nhà này là vén khéo là hợp lý thì ở nhà khác lại là tiêu hoang. Bởi vì tiêu chuẩn sống của mỗi nhà khác nhau.
Thế nên, nếu chị thấy mình vẫn tiêu hoang và muốn tiết kiệm thì chị phải biết mình "thực sự" đang tiêu hoang khoản gì để có biện pháp phù hợp. Em dùng từ " thực sự" vì nhiều khi có khoản mình tưởng là hoang thì nó lại là khoản đầu tư đem lại lợi ích trong tương lai như việc hiểu hỉ, giao lưu bạn bè, mua sách vở, thậm chí là việc ăn uống.
Còn biện pháp hay còn gọi là chiêu thì nhiều lắm nhưng có cái mình áp dụng được, có cái không.
Như cách của em, vì em đã có mục tiêu lớn của mình với thời hạn cụ thể, em ước lượng số tiền cần có để thực hiện mục tiêu lớn rồi tính toán quy về từng năm phải bỏ ra bao nhiêu, từ số tiền đó em lại quy nhỏ ra từng tháng. Vì thu nhập nhà em là tương đối ổn định nên em biết mình phải bỏ ra bao nhiêu % thu nhập, số còn lại để chi tiêu. Nếu em không chi tiêu được trong số tiền còn lại tức là số tiền em định bỏ ra tiết kiệm sẽ bị hụt, có nghĩa là đơn thuần về mặt tính toán thì thời gian để thực hiện mục tiêu lớn sẽ kéo dài ra.
Vì muốn đảm bảo chắc chắn thêm một lần nữa, số % tính toán được em cộng thêm con số lạm phát đồng thời nghĩ cách để tiền vào đâu thì hạn chế lạm phát, tốt hơn nữa là sinh lợi hơn mức lạm phát. Đây là phần tiết kiệm ròng của nhà em.
Số tiền còn lại em bỏ vào chi tiêu, gồm chi tiêu hiện tại là ăn uống, đi lại, học tập, hiếu hỉ, quần áo, vui chơi...và chi tiêu tương lai là mua sắm đồ đạc ( quỹ tiêu dùng), phòng hờ khoản chi đột xuất ( quỹ khẩn cấp), phòng hờ rủi ro ( bảo hiểm)...
Tại mỗi thời điểm, em đưa ra thứ tự ưu tiên các nhu cầu, cái gì ở cuối và gần cuối danh sách sẽ là đối tượng cắt giảm khi cần để đảm bảo không bị bội chi. Cắt giảm cái gì, cắt giảm bao nhiêu thì được thể hiện cụ thể bằng kế hoạch thu chi trong bảng quản lý thu chi. Có cắt giảm được không, giảm bao nhiêu ( mức độ thành công) được giám sát cũng bằng bảng quản lý thu chi luôn. Thành công mà nghẹt thở thì có nghĩa là quá tay, cần nới bớt. Thành công mà vẫn còn "dư địa" thì có nghĩa là còn thít được nữa.
Em luôn nhắc nhở bản thân mình và phản đối kiểu tiết kiệm bóp mồm bóp miệng, nhịn ăn nhịn mặc để có nhiều tiền, vàng, tài sản - đó là kiểu tiết kiệm dở hơi vì nó sẽ dẫn đến tốn tiền gấp bội trong tương lai. Em hướng đến việc chi tiêu thông minh, dùng tiền thật mua hàng thật, chất lượng thật, giây phút hạnh phúc thật. Đó là một con đường dài mà em nghĩ mình mới lò dò bước vài bước đầu tiên và thấy nhiều chị em ở đây thật giỏi, cho mình bao nhiêu kinh nghiệm.

Câu hỏi 4:
Câu hỏi:
...............
Trả lời
Đọc comment của em mà như thấy lại mình ngày nào. Nhà chị không được như nhiều mẹ ở đây, "vợ chồng đi lên từ hai bàn tay trắng" đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng ngẫm lại thì nhờ những ngày tháng khó khăn mà mình rèn luyện được nhiều.
Nói là góp ý cũng khó lắm vì mỗi nhà mỗi cảnh, thôi thì nói về trải nghiệm của mình.
Vợ chồng trẻ thì hiếm ai đã có tích lũy, lúc trẻ ( như mình già lắm ấy
) thì lương thường còn thấp mà nhiều thứ phải chi tiêu nên thành ra túng quẫn đuổi quanh. Trong muôn vàn các khoản gọi là chi phí, có những cái đúng là cần thiết, phải chi, là dạng " đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" và có những cái không phải là như thế, chỉ giải quyết khâu "oai". Nếu mình tinh ý nhìn nhận ra được chân tướng bản chất thì điều khiển đồng tiền mới "trúng".
Trong trường hợp này, tiền biếu bố mẹ chồng thì chị nghĩ vẫn nên chu toàn, song song em cần lên kế hoạch thu chi rõ ràng và công khai "lôi kéo" chồng vào cuộc để dễ bề can ngăn khi chồng gồng mình trong những trường hợp không cần thiết. Ví như, nhớ có lần gom tiền gửi ông bà tiền ăn ( đương nhiên), biếu ông tiền khám mắt ( đương nhiên), phụ bà tiền du lịch cùng tổ hưu ( MC chị ít có điều kiện đi du lịch, cần làm nhưng cũng là mình gắng sức rồi) thì bồi thêm cú anh họ sang mượn tiền và em chồng xin anh trai tiền gì đó ( quên rồi). Hai khoản sau chị dứt khoát không đồng ý vì nếu chi ra 2 khoản này thì tiền ăn sáng, xăng xe sẽ thiếu mà không thể ko ăn sáng và xe không chịu chạy bằng nước lã...Ban đầu chồng chị cũng căng vì thể diện mà, nhưng với con số rõ ràng thì cũng phải xuống nước. Như có bạn nói, đàn ông cứ vác lương về thảy cho vợ một cục rồi ung dung ngồi hưởng - thế thì bất công quá, phải bắt các ông ấy có trách nhiệm. Chồng chị trước cũng có câu: "tạm tháng này thôi", nhưng có khi ông ấy nói đúng có khi nói sai. Khi ông nói sai, mình tranh thủ chỉ ra "đừng có đếm cua trong lỗ kẻo khi lỗ không có cua thì ôm bụng mốc meo ah?".
Quản lý người một thì mình cần quản lý mình mười: để mình không vung tay mua những thứ không cần thiết ( sẽ có lúc như thế) hoặc quá mức cần. Sữa bầu thực ra cũng không cần thiết nếu mình có kiến thức về dinh dưỡng và biết cân đối chế độ ăn hợp lý vừa tròn miệng ( = không để đồ ăn thừa lưu cữu). Đồ mua cho con cũng thế, có rất nhiều kênh: xin quần áo đồ dùng cũ, mua thanh lý, mua vừa đủ. List đồ nhiều mẹ chia sẻ trên wtt theo chị có nhiều cái thừa. Tranh thủ thời gian học cách may đồ cho con như giày vải, yếm, khăn vải...từ vải mới hoặc đồ cũ còn sạch của bố mẹ vừa tốt cho da em bé vừa tiết kiệm được nhiều. Ai đọc sách bà bầu thì cũng nên tận dụng nguồn ebook vì sách bà bầu thường đắt mà nội dung na ná nhau, đến đoạn nào quan trọng thì ghi memo lại vào sổ tay để tiện bề tra cứu khi cần. Còn nhiều nhưng lặt vặt nên chẳng nhớ ra.
Tóm lại, tiền bạc đúng là có giới hạn nhưng sức sáng tạo mới là vô hạn.
"Lửa thử vàng, gian nan thử người" - nhớ câu này để tự tìm tìm thấy niềm vui, động lực khi đối diện với khó khăn

Câu hỏi 5:
Câu hỏi
Than là tiêu xài ghê quá, đc em juvexinh giới thiệu link này. Vào từ hôm qua giờ, ngồi đọc hết lần lượt các bài viết của các mẹ, hic. Giờ thì em đang ôm mặt tự kỷ, khóc lóc, lo lắng cho tương lai, khi mà từ sau ngày cưới đến nay, mấy tháng liền ko dư đc đồng nào. Trc cưới thì lấy lý do lo đám cưới nên ko dư đc... Hic. Ngồi cân đo, đong đếm, tính các định mức cho các khoản chi tiêu theo bảng của Mẹ TT, thấy sao cố kiệm mà sao ko vẫn còn nhiều quá, ngồi xem xét, suy nghĩ xem nên cắt giảm những khoản nào mà nghĩ ko ra ... Em lại đang bầu bí nữa, còn phải lo sinh đẻ, lo cho con nữa, em đau óc quá các mẹ ah! Giờ mới thấm làm 1 người phụ nữ gia đình thật là khó. Trc đây, em chứ chê mẹ em là "Má ky bo quá đi", giờ thì thấm lắm rồi, hic!

Trả lời:
Em thân mến!
trước một khối lượng công việc lớn thì người ta thường có cảm giác choáng ngợp nên tâm lý của em cũng là bình thường.
Giờ thì việc quan trọng của em là chăm lo cho em bé trong bụng được khỏe mạnh, phát triển tốt. Nếu em muốn bắt tay vào tiết kiệm thì em đi từng bước, không quan trọng là dài hay ngắn, nhanh hay chậm mà chính là nghĩ kỹ quyết định và kiên trì con đường mình đã chọn.
Ban đầu thì em cứ ghi chép tình hình chi tiêu để nắm bắt được chính xác và khách quan tình hình chi tiêu ( rộng hơn là tình hình tài chính) của gia đình mình trong vài tháng. Song song trong thời gian đó, em có thể đọc thêm các tài liệu liên quan đến tài chính cá nhân vốn từ các bài báo hay mà chị thấy tâm đắc nên tập hợp, lưu lại và share với mọi người ở địa chỉ
http://www.4shared.com/office/2FqvKs...hinh_ca_n.html
để hiểu thêm về quản lý tài chính cá nhân. Khi mình đã "thấm nhuần" thì mọi hành động của mình sẽ hướng theo mục tiêu đã định. Điều đó không chỉ tạo cho mình động lực để kiên trì thực hiện mà còn mang đến niềm vui, sức sáng tạo để tìm ra các chiêu tiết kiệm phù hợp với điều kiện của mình. 

8.  Tài liệu liên quan đến tài chính cá nhân/ tài chính gia đình.



5 tập Cha giàu cha nghèo, file word ( cá nhân mình không thích quyển này )
http://www.mediafire.com/?5q3ike1043c6qbs

2 tập Tay trắng làm nên triệu phú ( tác giả Adam Khoo), file PDF
http://www.mediafire.com/?az478tp4oi5b4wo

10 quy luật bất biến để thành công trong kinh doanh ( tác giả Brian Tracy), file prc
http://www.mediafire.com/?t1ddzzd7sf0kax5
Quyển này có phần nói về quy luật tiền tệ cực hay - theo cảm nghĩ của mình
Đọc online phần này ở đây
http://doanhnghiep.portals.vn/index....=72&Itemid=120

Ngoài ra, còn quyển Bí quyết để trở nên giàu có ( mình không nhớ chính xác tên và tác giả - xấu hổ quá) cũng rất hay.
Quyển này mình có sách giấy, không có ebook. Mỗi ngày cố gắng đọc một đoạn và cố gắng hiểu.

Tài nguyên tiếng Việt trên mạng rất nhiều, trong quá trình học để quản lý tiền của mình, MTT đã góp nhặt được nhiều bài hay mà thấy nhiều bài cô đọng, súc tích và giá trị như mấy cuốn sách trên mà lại gần gũi với người Việt.
Có thể đọc ở blog ( bấm vào Post rồi chọn mục Cần kiệm)
http://blog.yahoo.com/_NYGR32AX2FPSD...n+ki%E

6 nhận xét:

  1. Đúng thứ mình đang tìm, cảm ơn bạn nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Cam on tac gia nhieu, rat bo ich :)

    Trả lờiXóa
  3. sao vào link ko đc tác giả ơi, hjx hjx

    Trả lờiXóa
  4. Mn ơi, các link http://www.4shared.com/ đều ko tải được nữa. Mn có thể cập nhật lại được ko?

    Trả lờiXóa
  5. Dùng link mediafire đó bạn ơi

    Trả lờiXóa
  6. bạn ơi, thế cột thực tế thì ghi gì nhỉ, có nhập số liệu tiền thu nhập hay chi tiêu thực tế vào không. Thanks!

    Trả lờiXóa